Thẻ căn cước sẽ thay thế chứng minh nhân dân
Dự kiến giữa năm 2015, công dân bắt đầu được cấp thẻ căn cước tích hợp số định danh cá nhân thay thế cho chứng minh thư và nhiều giấy tờ khác.
Theo Dự luật Căn cước công dân được thường vụ Quốc hội thảo luận chiều 24/4, mặt trước thẻ Căn cước công dân in hình Quốc huy; ảnh của người được cấp thẻ; thời hạn sử dụng của thẻ. Bên phải, từ trên xuống ghi dòng chữ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dưới là dòng chữ "Căn cước công dân"; số định danh cá nhân; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.
Mặt sau thẻ gồm bộ phận điện tử lưu trữ một số thông tin cơ bản về căn cước và thông tin khác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được cấp thẻ; dưới in vân tay, đặc điểm nhân dạng; ngày, tháng, năm cấp thẻ; chức danh người cấp... Dự kiến, thẻ sẽ không in ảnh, vân tay và ghi đặc điểm nhân dạng của người dưới 15 tuổi.
Mặt trước mẫu "Căn cước công dân" do Bộ Công an công bố.
 
Ủy ban Quốc phòng An ninh nhận định dự luật Căn cước công dân đã xây dựng theo hướng bảo đảm tập trung, thống nhất về quản lý dân cư. Thông tin cơ bản về công dân được quản lý tập trung, thống nhất từ khi công dân sinh ra (đăng ký khai sinh) đến khi chết (đăng ký khai tử) trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó các bộ, ngành, địa phương được quyền khai thác thông tin cơ bản về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính.
"Việc phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử và cấp số định danh cá nhân để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự, an toàn xã hội và các lĩnh vực liên quan như giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, mã số thuế cá nhân... là quy định hợp lý", báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Dù đa số ý kiến đều tán thành việc cấp thẻ này, song lại tranh luận về thời điểm. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, để giảm giấy tờ, giảm thủ tục hành chính đối với công dân, nếu đã quy định cấp thẻ căn cước công dân từ khi sinh ra thì cần xem xét kết hợp việc cấp thẻ và số định danh cá nhân ngay khi làm thủ tục đăng ký khai sinh thông qua quy định về cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định số định danh cá nhân và cấp thẻ căn cước công dân.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, công ước quốc tế quy định sự xuất hiện của một con người phải được ghi nhận vì vậy cần cấp thẻ căn cước ngay từ khi ra đời, do đó, giấy khai sinh không phù hợp nữa.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với phương án khi công dân chào đời thì cấp thẻ căn cước luôn mới phù hợp với mục tiêu giảm giấy tờ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý công dân.
"Xu hướng bỏ sổ hộ khẩu, giấy khai sinh và các giấy tờ đã được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân", bà Ngân nói. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lại băn khoăn giữa việc cấp thẻ từ khi sinh hay phải chờ khi 15 tuổi.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, trên thế giới chỉ có 5 quốc gia cấp từ khi trẻ mới sinh, gồm Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan; còn lại trên 100 nước cấp sau khi trẻ 14 tuổi. Do đó, dự luật cũng đã thiết kế cả hai phương án để Quốc hội cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, nếu cấp từ khi sinh ra thì không nên gọi là thẻ căn cước bởi một khi đã gọi là căn cước công dân thì người đó phải mang bên mình, tức "gắn với công dân", song ở đây thực tế lại do bố mẹ giữ hộ.
Theo ông, khi sinh ra vẫn phải cấp giấy khai sinh (theo Luật Hộ tịch) và cấp mã số định danh, sau đó trên nền liên thông của cơ sở dữ liệu quốc gia, đến tuổi thành niên, cơ quan công an sẽ cấp thẻ căn cước và cập nhật vào đây những thông số ban đầu.
Dẫu vậy, chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn vẫn đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự luật theo hướng sẽ cấp thẻ căn cước từ khi sinh ra và thay thế cho các loại giấy tờ khác. Thẻ sẽ do cơ quan công an cấp. Ông cũng lưu ý, nếu dự luật được thông qua thì sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2015, trong khi cơ sở dữ liệu quốc gia phải chờ đến 2016.
Tuy nhiên, dự kiến, sau khi luật có hiệu lực, địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và cán bộ quản lý căn cước công dân để triển khai thì Bộ Công an báo cáo Thủ tướng quyết định cho phép tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành cho đến khi có đủ điều kiện; chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của luật này.
theo Trung Đức- vnexpress.net
Các bài viết khác